A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phục hồi chức năng cho cuộc sống tốt đẹp hơn

23/04/2020 - 14:53

Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, đó là bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Nguyên nhân dẫn đến bệnh không lây nhiễm chủ yếu là do di chứng sau tai nạn chấn thương, dị tật bẩm sinh ở trẻ em hay do mắc các bệnh lý như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, tai biến mạch máu não… Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số tại Việt Nam không ngừng gia tăng làm cho nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng lớn. Vì vậy, điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu – phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại.

1. Phục hồi chức năng là gì?

Phục hồi chức năng (PHCN):một trong 3 lĩnh vực của y học, bao gồm: phòng bệnh - chữa bệnh - phục hồi chức năng. Đây là một chuyên ngành y tế cung cấp các dịch vụ cho bệnh nhân và cộng đồng để phát triển, duy trì và khôi phục khả năng vận động và các hoạt động chức năng một cách tối đa trong suốt cuộc sống.

Ảnh: Phòng Phục hồi chức năng tại Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y tế công cộng

Thực tế cho thấy, khi bị bệnh hoặc chấn thương, nhiều người vẫn luôn nghĩ đến cách điều trị nhanh khỏi bệnh và tránh gặp nguy hiểm - phần lớn khi đau mọi người thường nghĩ đến uống thuốc cho nhanh hết đau, thế nhưng họ lại ít nghĩ đến vấn đề duy trì sức khỏe lâu dài, ổn định, làm thế nào để hòa nhập lại với cuộc sống, sống có ích và có thể tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Chính vì thế, phục hồi chức năng sẽ là biện pháp nhằm cải thiện và hồi phục các cơ quan, bộ phận gặp vấn đề, trả lại khả năng hoạt động hiệu quả, giảm thiểu tình trạng tái phát bệnh sau điều trị, hỗ trợ phòng bệnh để tránh gây liệt, tàn phế mang lại cuộc sống khỏe mạnh và tốt đẹp hơn.

 

2. Phục hồi chức năng có vai trò như thế nào?

Phục hồi chức năng là sự chọn lựa và kết hợp giữa các phương thức vật lý trị liệu, dụng cụ trợ giúp, tâm lý…giúp cho người bệnh có cảm giác thoải mái, cải thiện môi trường sống và sinh hoạt hàng ngày. Trên thực tế, mục đích của các phương pháp trên:

  • Giúp cho người bệnh có tâm lý thoải mái, suy nghĩ tích cực, hạn chế các dấu hiệu căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
  • Trợ giúp người bệnh phục hồi lại các chức năng, cơ quan bị tổn thương trước và sau quá trình điều trị, phẫu thuật.
  • Giúp cho bệnh nhân tái hòa nhập và thích nghi với cuộc sống, gia đình và xã hội, sống tự lập, không cần sự trợ giúp của người thân và không trở thành gánh nặng của gia đình.
  • Ngăn ngừa các biến chứng thương tật có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh, duy trì sức khỏe ổn định và lâu dài.

Ảnh: Kỹ thuật viên tập vận động cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não

 

3. Tại khoa Phục hồi chức năng – phòng khám đa khoa trường đại học y tế công cộng, Bác sĩ chuyên khoa và Kỹ thuật viên PHCN sẽ khám, lượng giá và đưa ra các phương pháp Vật lý trị liệu – PHCN phù hợp với từng bệnh, bao gồm: Xoa bóp trị liệu, Vận động trị liệu, vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu và kết hợp các trang thiết bị máy – máy móc hiện đại, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình trị liệu đạt tỷ lệ thành công cao, giúp hệ cơ – xương – khớp, hệ thần kinh, cột sống có thể phục hồi chức năng các hệ cơ quan và khả năng vận động.

Ảnh: Trang thiết bị, máy móc hiện đại do Tập đoàn Y tế Kyowakai, Nhật Bản tài trợ


Tổng số điểm của bài viết là: 42 trong 42 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Copyright 2019 @ Trường Đại học Y tế công cộng. All rights reserved