Các phương pháp phục hình răng
Mất răng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cả khuôn mặt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ăn nhai hàng ngày. Ăn nhai khó khăn hơn, răng bị xô xệch, các bệnh lý về nha khoa như viêm nướu, viêm lợi, viêm nha chu…Phục hình răng bao gồm việc thay thế răng bị mất bằng cách sử dụng hàm răng giả hoặc các phương pháp làm răng nhân tạo khác.
Các phương pháp phục hình răng mất hiện nay:
1. Hàm tháo lắp
Đây là phương pháp phục hình áp dụng cho những trường hợp bị mất răng, không áp dụng với các trường hợp răng sứt mẻ, gãy vỡ,.. Răng giả tháo lắp sẽ được chế tạo với phần nướu giả và phần răng giả lắp ở trên, thêm phần móc nối để móc vào răng thật nhằm cố định hàm giúp người bệnh ăn nhai và có thể tháo ra vệ sinh dễ dàng.
Tùy vào tình trạng mất răng mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại răng giả bán hàm hoặc răng giả toàn hàm.
Ảnh 1: Hàm tháo lắp là phương pháp phục hồi răng mất truyền thống (Nguồn: internet)
Ưu điểm:
- Phục hồi chức năng ăn nhai.
- Chi phí thấp.
- Đảm bảo tính thẩm mỹ.
- Dễ dàng vệ sinh.
Nhược điểm:
- Thời gian đầu chưa quen, bệnh nhân sẽ cảm thấy vướng trong miệng. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tuần bệnh nhân sẽ quen với hàm giả và thấy bình thường.
- Sức nhai không như răng thật.
- Độ bền của răng giả tháo lắp kém hơn so với răng sứ cố định. Độ bền của hàm giả tháo lắp thường từ 5 năm trở lại. Sau thời gian này, người dùng sẽ có cảm giác hơi khó chịu vì hàm trở nên lỏng hơn.
- Nếu không vệ sinh kỹ, sau một thời gian dịch miệng ngấm vào hàm giả gây mùi hôi dẫn tới hôi miệng.
- Nhạy cảm với thức ăn nóng, lạnh; đặc biệt hàm giả tháo lắp dễ biến dạng trong môi trường nước có nhiệt độ cao.
Cầu răng sứ là phương pháp trồng răng cố định và hiện đại hơn so với răng giả tháo lắp. Bác sĩ sẽ sử dụng các răng thật khỏe mạnh kế cận vị trí mất răng (2 hoặc nhiều hơn tùy thiết kế cầu) để làm trụ cầu răng giả. Răng thật sẽ được mài nhỏ bớt cùi răng sau đó sẽ gắn cầu răng sứ vào thay cho răng đã mất.
Ưu điểm:
- Cố định, không phải tháo ra lắp vào và ăn nhai tốt.
- Thời gian thực hiện gắn cầu nhanh chóng.
- Cấu tạo của mão răng sứ là các lớp sứ phủ bên ngoài, có độ bóng như răng thật.
- Cầu răng sứ được coi là phương án thẩm mỹ có chi phí khiêm tốn hơn nhiều so với cấy ghép răng Implant.
- Thời gian sử dụng cầu răng sứ tương đối cao: có thể lên đến 20 năm, thậm chí lâu hơn nếu được chăm sóc tốt.
Nhược điểm:
- Tiêu xương: Là hiện tượng tất yếu và chắc chắn xảy ra khi bị mất chân răng. Phương pháp làm cầu răng chỉ thay thế được răng mất chứ chưa thể thay chân răng nên không ngăn chặn được tình trạng tiêu xương hàm.
- Tổn thương răng trụ: Răng thật kế cận sẽ cần được mài mòn để làm trụ cầu nên khả năng chịu lực sẽ yếu hơn các răng khác.
- Dễ mắc các bệnh lý về răng miệng: Vì không có chân răng mà chỉ là răng sứ đặt phía trên nướu được cố định bằng 2 trụ cầu nên lâu ngày thức ăn dễ mắc vào khoảng hở nhỏ giữa nướu và răng sứ, gây viêm lợi, viêm nha chu, hôi miệng…
Trồng răng Implant có thể được coi là phương pháp phục hình răng mất hiện đại và tốt nhất hiện nay. Với cấu trúc bao gồm mão sứ, khớp nối Abutment và trụ Implant được cấy vào xương hàm nên hoàn toàn giống như một chiếc răng thật.
Phần trụ Implant được cấu tạo từ Titanium tinh khiết nên vô cùng an toàn đối với cơ thể, đảm bảo độ cứng chắc và ăn nhai tốt cho người bệnh.
Ảnh 3: Trụ Implant được cấy vào xương hàm giống như chân răng và có thể thay thế một, một vài hoặc toàn bộ hàm răng (Nguồn: internet)
Ưu điểm:
- Phục hồi khả năng ăn nhai và thẩm mỹ gần như răng thật.
- Trồng cố định, vệ sinh tại nhà dễ dàng giống răng thật.
- Ngăn chặn tình trạng tiêu xương.
- Không xâm lấn răng kế cận.
- Thời gian sử dụng răng Implant lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn nếu được chăm sóc tốt.
Nhược điểm:
- Chi phí điều trị cao, thời gian điều trị kéo dài (từ 1-6 tháng tùy bệnh nhân).
- Không thể thực hiện đối với những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp nghiêm trọng, những bệnh nhân đang áp dụng xạ trị hoặc hóa trị, cấu tạo xương bất thường.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, sau khi mất răng thì cần trồng lại càng sớm càng tốt, phù hợp nhất là khoảng 2 tháng sau khi nhổ răng. Nếu càng kéo dài thời gian mất răng thì càng có nhiều hậu quả xảy ra: sức ăn nhai giảm sút, tiêu xương hàm, răng lệch lạc, sai khớp cắn,…
Dựa vào số lượng răng bị mất, tình trạng của răng còn lại và độ dày của xương hàm, cũng như chi phí dự kiến, bác sĩ nha khoa sẽ đưa ra những tư vấn cụ thể cho phương pháp phục hình răng phù hợp.
Hiện tại, chuyên khoa Răng hàm mặt thuộc Phòng khám đa khoa trường Đại học Y tế công cộng đang thực hiện 2 phương pháp phục hình răng: Hàm tháo lắp và cầu răng sứ. Với sự nhiệt tình, tâm huyết và phong cách làm việc chuyên nghiệp, các bác sĩ luôn sẵn sàng thăm khám, tư vấn và đưa ra phương pháp phục hình răng phù hợp nhất tới từng khách hàng.