A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cao răng: Tác hại và cách phòng ngừa

31/07/2021 - 13:55

Cao răng là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề răng miệng như: hôi miệng, viêm lợi, tụt lợi, viêm nha chu,… khiến chúng ta mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Các nha sĩ đưa ra lời khuyên nên khám răng và lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.

1. Cao răng là gì?
Ảnh: Cao răng thường tập trung ở cổ răng, có màu trắng đục hoặc vàng nhạt (Nguồn: Internet)
 
Cao răng hay còn được gọi là vôi răng, là những mảng bám cứng dính chặt vào bề mặt răng, được hình thành từ các vụn thức ăn, muối trong nước bọt và các chất khoáng ở miệng. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của cao răng là lớp màu trắng đục, vàng hoặc nâu trên bề mặt răng, tương đối gây mất thẩm mỹ.Cao răng có hai loại: cao răng thường và cao răng huyết thanh. Cao răng thường có màu trắng đục hoặc vàng nhạt. 
Khi cao răng thường gây viêm lợi, lợi ở vùng viêm sẽ tiết dịch và chảy máu, máu ngấm vào cao răng thường tạo nên màu nâu đỏ, mảng cao răng đó lúc này được gọi là cao răng huyết thanh.
Một số nguyên nhân hình thành cao răng:
  • Không có thói quen vệ sinh răng miệng thường xuyên, không chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
  • Không sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng. Những vụn thức ăn còn sót lại không thể loại bỏ được hoàn toàn bằng việc chải răng thông thường.
  • Chế độ ăn uống nhiều đường hóa học, đồ ngọt khiến các mảng bám hình thành nhanh hơn, là môi trường thuận lợi để vi khuẩn hoạt động và phát triển.
  • Không lấy cao răng định kỳ. Điều này kiến những lớp cao răng ngày càng dày lên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Ảnh: Chế độ ăn nhiều đường hóa học khiến các mảng bám hình thành nhanh hơn, thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động và phát triển (Nguồn: Internet)
 
2. Tác hại của cao răng: Việc hình thành và tồn tại cao răng gây nên tình trạng mất thẩm mỹ; là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôi miệng, gây khó chịu, mất tự tin trong giao tiếp
Cao răng nếu không được lấy thường xuyên sẽ là môi trường để vi khuẩn hoạt động, gây ra nhiều bệnh lý răng miệng: sâu răng, các bệnh về nướu (lợi):
  • Viêm lợi: lợi sưng, đỏ, chảy máu,… Bệnh viêm lợi có thể phục hồi trở lại nếu như cao răng được loại bỏ và răng miệng được duy trì vệ sinh đúng cách.
  • Nếu viêm lợi không được điều trị, cao răng sẽ hình thành nhiều hơn và tồn tại dai dẳng có thể dẫn đến viêm nha chu- một trong những bệnh lý nghiêm trọng khiến răng có thể bị tiêu xương, lung lay, thậm chí là mất răng.
  • Ngoài ra các vi khuẩn còn là nguyên nhân của các bệnh nguy hiểm như viêm tủy ngược dòng, cùng với các bệnh ở niêm mạc miệng: viêm niêm mạc miệng, lở miệng, viêm Amydal;..
 

3. Phòng ngừa sự hình thành cao răng:

 

Ảnh: Thăm khám và lấy cao răng định kỳ giúp hạn chế các vấn đề răng miệng (Nguồn: Internet)
Vệ sinh răng miệng là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự hình thành cao răng:
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên, đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày, tốt nhất là ngay sau khi ăn.
  • Chải răng đúng cách và sử dụng các loại kem đánh răng có chứa flour.
  • Súc miệng với nước súc miệng kháng khuẩn hoặc nước muối sinh lý sau khi đánh răng.
  • Dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng, loại bỏ mảng bám vi khuẩn, tránh việc tích tụ mảng bám.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh, hạn chế những thực phẩm có chứa nhiều đường và bột.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá để tránh hình thành cao răng.
  • Khám răng định kỳ 6 tháng/lần, thực hiện lấy cao răng theo chỉ định để tránh hình thành cao răng quá lâu, gây khó khăn trong việc làm sạch răng.
 

Hiện tại, chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt - Phòng khám đa khoa trường Đại học Y tế công cộng đang áp dụng công nghệ lấy cao răng bằng sóng siêu âm hiện đại, là phương pháp tối ưu nhất giúp cho việc lấy cao răng trở nên nhẹ nhàng hơn, ít gây khó chịu cho khách hàng.

  • Tần số sóng siêu âm được điều chỉnh tùy theo mức độ cao răng sẽ giúp cho quá trình lấy cao răng diễn ra êm ái, không gây ê buốt như phương pháp truyền thống.
  • Loại bỏ triệt để cao răng.
  • Ngăn ngừa sự hình thành trở lại của các mảng bám.
  • Không làm ảnh hưởng đến mô nướu (lợi) xung quanh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Copyright 2019 @ Trường Đại học Y tế công cộng. All rights reserved