THỦ TỤC ĐĂNG KÍ KHÁM CHỮA BỆNH BHYT
Người bệnh khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được chi trả BHYT trực tiếp khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn các thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chi tiết.
Người bệnh muốn hưởng bảo hiểm y tế cần thực hiện theo thủ tục quy định
Căn cứ luật BHYT số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành 1 số điêu luật của BHYT
Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT như sau:
1. Thành phần hồ sơ:
- Thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 06 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT.
- Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh đối với trẻ em dưới 06 tuổi.
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, BHYT theo Mẫu.
- Giấy hẹn khám lại.
- Giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT.
- Hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.
2. Trình tự thực hiện:
- Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh:
- Xuất trình thẻ BHYT bản cứng kèm giấy tờ tùy thân có có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp còn hạn (VD: CCCD, Bằng lái xe, Hộ chiếu...) theo hình thức bản cứng hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức 2
- Xuất trình thẻ BHYT online qua VSSID
- Xuất trình thẻ CCCD (bản cứng hoặc trên VNeID) đã định danh mức 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
- Khám chữa bệnh BHYT với trẻ em dưới 6 tuổi:
- Chỉ cần xuất trình thẻ BHYT
- Trường hợp trẻ chưa được cấp BHYT thì xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh để tra cứu thông tin BHYT theo thông tin người giám hộ.
- Khám chữa bệnh BHYT đối với đối tượng đang trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT:
- Xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
- Khám chữa bệnh BHYT với đối tượng ngoại tỉnh:
- Người tham gia BHYT phải xuất trình giấy tờ thông tin theo quy định của mục a, b, c và một trong các giấy tờ (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ HS-SV, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú – thường trú, các giấy tờ còn hạn chứng minh thời điểm hiện tại đang sinh sống tại Hà Nội.
- Khám chữa bệnh BHYT trong trường hợp cấp cứu:
- Trường hợp người tham gia BHYT nhập viện cấp cứu, được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân trước khi ra viện.
- Trong trường hợp Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh khi ra viện (các giấy tờ, chứng từ hợp lệ) liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT:
- Người bệnh xuất trình giấy tờ thông tin BHYT theo quy định kèm theo hồ sơ chuyển tuyến của CSKCB và giấy chuyển tuyến theo mẫu ban hành.
- Trường hợp giấy chuyển tuyến hết hạn vào 31/12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì giấy chuyển tuyến có thời hạn đến khi kết thúc đợt điều trị đó.
- Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu ban hành.
________________________
Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạch thuộc Trường Đại học Y tế công cộng:
• Địa chỉ: Nhà B, số 1A đường Đức Thắng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
• Hotline: 024.62650722
• Làm việc từ thứ 2 - thứ 7.
• Email: pntgh@huph.edu.vn
• Website: http://bvdkphamngocthach.vn
• Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạch: Chăm sóc toàn diện – Trách nhiệm và tận tâm.